Sản vật vùng non nước Cao Bằng

Đăng lúc: Thứ năm - 05/06/2014 21:58 - Người đăng bài viết: Khách sạn Hoa Việt
Đến với Cao Bằng, bên cạnh thưởng ngoạn với những địa danh lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao..., du khách còn được thưởng thức những sản vật nổi tiếng không phải địa phương nào cũng có.
Đến với Cao Bằng, bên cạnh thưởng ngoạn với những địa danh lịch sử, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao..., du khách còn được thưởng thức những sản vật nổi tiếng không phải địa phương nào cũng có.

 

     

    Hạt dẻ Trùng Khánh 

    Hạt dẻ Trùng Khánh.

    Hạt dẻ Trùng Khánh là một trong những sản vật nổi tiếng của Cao Bằng bởi hương vị thơm ngon. Hạt dẻ Trùng Khánh to đều, có hình dáng hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau); vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, vị bùi, thơm ngậy. Vào tháng 9, tháng 10 hằng năm là mùa thu hoạch dẻ. Hạt dẻ có thể đem luộc, rang, sấy rồi ăn ngay; hay có thể chế biến với nhiều món ăn như thịt gà, chân giò. Năm 2013, hạt dẻ Trùng Khánh là sản phẩm thứ 23/34 sản phẩm trong cả nước được xác lập và bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là một thuận lợi lớn cho quá trình phát triển cây dẻ của Cao Bằng cũng như nâng cao thương hiệu cho sản phẩm hạt dẻ trên thị trường.

    Mận Bảo Lạc

    Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.

    Lê Đông Khê 

    Lê Đông Khê được bày bán trên thị trường.

    Lê được trồng ở nhiều nơi nhưng lê ở Đông Khê là nổi tiếng nhất. Đông Khê là địa danh lịch sử thuộc huyện Thạch An, nơi gắn liền với Chiến dịch Biên giới 1950. Lê Đông Khê ngọt mát, thơm ngon, trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh. Vào khoảng tháng 6, tháng 7 là mùa lê. Khi chín, quả lê to bằng nắm tay, có vị ngọt, thanh mát, mềm, giòn.

    Quả mác mật

    Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 hằng năm, đến Cao Bằng, du khách được thưởng thức một loại quả màu vàng nhạt, chín mọng với hương vị thơm, vừa ngọt vừa chua - đó là quả mác mật. Cây mác mật có ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông.

    Vỏ thân, cành, lá, hoa, quả có tinh dầu thơm. Mác mật là một thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn đặc trưng miền núi, như: Vịt quay, lợn quay... Vào mùa mác mật, các bà nội trợ ai cũng mua mác mật về chế biến các món ăn: cá kho, thịt kho, vịt quay, ninh chân giò, canh thịt băm, măng xào mác mật...  Mùi vị thanh tao của quả mác mật đã khử hết mùi tanh của cá, mùi hoi của vịt,  giảm bớt mỡ ngấy của chân giò..., tạo nên những món ăn thơm phức, tinh tế và hấp dẫn.

    Trà Giảo cổ lam

    Cây Giảo cổ lam là một trong những nguồn dược liệu quý của Cao Bằng. Trà Giảo cổ lam Cao Bằng sản xuất dưới dạng trà túi lọc, nguyên liệu chính từ cây Giảo cổ lam mọc tự nhiên trên vùng núi đá cao. Trà Giảo cổ lam có công dụng làm hạ mỡ máu mạnh, giảm cholesterol xấu và làm tăng cholesterol tốt trong máu, có khả năng bình ổn huyết áp tốt. Giảm các cơn đau thắt ngực, làm tăng khả năng và sức chịu đựng của cơ tim. Giúp cơ thể tăng sức bền vận động. Có khả năng vô hiệu hóa khoảng 80% chất gây ung thư, phòng ngừa sự u hóa, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể... Trà Giảo cổ lam đoạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam Vifotex năm 2011; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2012; sản phẩm Trà túi lọc Giảo cổ lam của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh) đoạt Huy chương vàng và danh hiệu “Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.

    Rau Dạ hiến

    Còn gọi là rau bò khai, mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Vào mùa xuân, khi tiết trời ấm áp, ngọn rau Dạ hiến mọc non mơn mởn. Dạ hiến không đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon, hấp dẫn, mà còn là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Dạ hiến rửa sạch, ngắt thành từng đoạn ngắn đem xào với thịt, trứng, phở... đều rất ngon. Ðặc biệt, rễ cây rau Dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa chứng vô sinh. Vào dịp xuân hè, tại các huyện, Thành phố, hầu hết các nhà hàng đều có món rau Dạ hiến xào lẫn thịt bò tươi hoặc lòng lợn, lòng gà... Ngoài dạ hiến còn có rau ngót rừng thường mọc tại các khu rừng già từ tháng 3 đến tháng 9. Rau ngót rừng có vị ngọt dịu, ăn rất mát và bổ, được chế biến thành canh thịt băm, canh xương.

    Ngoài ra Cao Bằng còn nhiều loại sản vật khác như: Mật ong rừng, bột nghệ đen, rượu tắp ná... Đến với Cao Bằng, du khách gần xa có thể lựa chọn cho mình những sản vật mang đậm tinh túy núi rừng, để rồi nhớ mãi Cao Bằng ơi.

    Tác giả bài viết: Trương Tuấn Đạt
    Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử
    Đánh giá bài viết
    Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
    Click để đánh giá bài viết

    Những tin cũ hơn